Bên Lề Chính Sử
Abstract
Chính sử chỉ thiên về ghi chép sự hưng vong tan hợp của các triều đại vua quan chính thống, đi vào mặt chung nhiều hơn mặt riêng; thế nên để hiểu hơn những bí mật về một triều đại, một nhân vật lịch sử, phân tích những mâu thuẫn, biến thiên của thời cuộc… cần phải có thêm những chuyện bên lề"Bên lề chính sử" là sự bổ sung cho những thiếu sót, chưa đúng, những sự không công bằng của chính sử với những sử nô viết dưới quyền uy của các vương triều quá khứ. Những ai chưa thỏa mãn với chính sử cũ, muốn tìm để hiểu lại những bí ẩn, những sự mờ ảo, không rõ ràng trong sử sách xưa kia, chủ yếu là từ thời Nguyễn về trước có thể tìm đọc "Bên lề chính sử". Để hoàn thành cuốn sách, Đinh Công Vĩ đã phải đọc kỹ lại, đối chiếu mấy chục bộ chính sử (chủ yếu từ thời Lê đến Nguyễn), tìm lại cả những sử sách đã tham sao thất bản trước thời Lê, những tài liệu khảo cổ về thời Hùng Vương, An Dương Vương... Không chỉ có vậy Đinh Công Vĩ còn đọc kỹ cả những tác phẩm mang tính bách khoa của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Phạm Đình Hổ, Đặng Xuân Bảng... đọc cả truyền thuyết, văn thơ dân gian. Đặc biệt Đinh Công Vĩ đi sâu vào gia phả, dùng gia phả "bổ sung làm minh xác cho chính sử" như nhà sử học đã nói trong bài viết mở đầu. Ngoài ra ông còn chú ý nguồn tài liệu Hán Nôm khác như: thần phả, ngọc phả, hoành phi câu đối và nhất là văn bia, thấm nhuần "Phương pháp làm sử của Lê Quý Đôn", ở một số bài viết, Đinh Công Vĩ đã dùng văn bia để minh định cho sử học. Là chuyên gia khoa học công tác lâu năm ở Viện Hán Nôm lại say nghề, ham tìm tòi, luôn bứt dứt trước những vấn đề chưa sáng rõ nên "Bên lề chính sử" xét về mặt Hán học và sử học là có thể tin cậy được. Cũng như các tác phẩm khác của bản thân, Đinh Công Vĩ không đi theo lối mòn là khen chê theo định kiến, một mực sùng bái viết theo chính thống hay theo đơn đặt hàng. Dù khi viết, Đinh Công Vĩ có cảm xúc văn học nhưng ông đứng vững trên tư liệu, công minh nhìn vào cả hai mặt phải trái của lịch sử.
Collections
- 900 - Lịch sử, địa lý [686]