dc.description.abstract | Ăng-đrô-mắc là một vở bi kịch năm hồi của nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Pháp Ra-xin. Vở kịch được trình diễn lần đầu ngày 18-11-1667 tại Pa-ri và thành công vang dội, khẳng định vị trí của Ra-xin trong nền sân khấu Pháp. Vở Ăng-đrô-mắc lấy đề tài từ vở bi kịch cổ đại Hy Lạp Ơ-ri-pít, sau này kịch bản của Ra-xin lại được Giôn Phốt-xơ biên soạn lại một cách sáng tạo, phù hợp với sân khấu đương đại. Vở diễn dàn dựng trên sân khấu Nhà hát kịch Việt Nam do Giăng Ma-ri Lơ-giuýt đạo diễn, Ti-ê-ri Va-rên-lơ thiết kế mỹ thuật sân khấu. Với một cốt truyện đơn giản, mọi sự kiện bên ngoài được giảm đến mức thấp nhất để tập trung vào những xung đột dữ dội giữa các dục vọng. Nàng Ăng-đrô-mắc dù bị giam giữ trên đất của kẻ thù cùng con trai mình nhưng vẫn giữ được sự trong sạch nhờ vào tình yêu thương và sự hy sinh vô bờ bến với con. Bi kịch ở đây chính là bi kịch của đứa trẻ Át-xti-a-nắc, nhân chứng ngây thơ và là nô lệ của cuộc chiến mà người lớn đã gây ra. Số phận của các nhân vật đều tùy thuộc ở thái độ của nàng Ăng-đrô-mắc. Cuộc đấu tranh diễn ra âm thầm và quyết liệt giữa kẻ có thế lực đòi hỏi tình yêu và người phụ nữ yếu đuối, trong sạch đã từ chối tình yêu bạo lực ấy. Bi kịch Ăng-đrô-mắc thấm sâu những xúc động mạnh mẽ, gây cho người xem một niềm thương cảm sâu xa. Một người phụ nữ vô tội, một tâm hồn sáng trong như ngọc bị dồn ép, một người mẹ xót thương đứa con bị đe dọa giết chết. Đằng sau tấn bi kịch ấy thấp thoáng hình ảnh một đất nước bị tàn phá, số phận những kẻ nô lệ không ai che chở và không thể tự vệ. | en_US |